Nghệ vàng và nghệ đen đều được xếp cùng nhóm thuốc hoạt huyết hóa ứ, có thể chữa trị nhiều chứng bệnh. Tuy nhiên tác dụng hoạt huyết hóa ứ của nghệ đen và nghệ vàng không hoàn toàn giống nhau.
1. Biểu hiện chính của huyết ứ
- Cảm giác tê dại hoặc đau ở vị trí cố định; đau kiểu như dùi đâm, ấn vào đau tăng lên.
- Sưng thũng, tích đọng, xuất hiện u, bướu… ở bên trong hoặc phần ngoài cơ thể.
- Xuất huyết, có kèm theo huyết khối tím đen.
- Trên da hoặc niêm mạc, hay trên lưỡi… xuất hiện điểm ứ huyết.
2. Nhóm thuốc hoạt huyết hóa ứ trong Đông y
- Hoạt huyết chỉ thống (giảm đau);
- Hoạt huyết điều kinh (chữa rối loạn kinh nguyệt);
- Hoạt huyết liệu thương (chữa vết thương);
- Phá huyết tiêu chưng (hoạt huyết mạnh, tiêu trừ khối u).
Nghệ vàng (tên thuốc là khương hoàng) tác dụng giảm đau chữa các chứng đau nhức.
3. Công dụng của nghệ đen và nghệ vàng
Trong Đông y, nghệ vàng có tên là “khương hoàng”, còn nghệ đen có tên là “nga truật”. Cả hai loại nghệ đều đã được sử dụng trong Đông y từ rất lâu đời.
Nghệ vàng và nghệ đen đều có vị cay đắng, tính ấm, lợi vào 2 kinh Can và Tỳ; đều có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Tuy nhiên tác dụng này trên lâm sàng không hoàn toàn giống nhau.
– Nghệ vàng
Hoạt huyết ở mức độ vừa phải và có tác dụng giảm đau tốt nên được xếp vào nhóm “Hoạt huyết chỉ thống” (hoạt huyết giảm đau). Trên lâm sàng, nghệ vàng (khương hoàng) thường dùng chữa các chứng đau ở vùng tim, ngực, bụng và mạng sườn do khí trệ huyết ứ; các chứng đau nhức do phong thấp, nhất là đau ở vai và cánh tay.
Kiêng kỵ: Người cơ thể suy nhược huyết hư, không có ứ trệ sử dụng cần thận trọng; phụ nữ có thai kiêng dùng.
Nghệ đen (tên thuốc là nga truật) có khả năng tiêu trừ các khối tích, khối u.
– Nghệ đen
Có tác dụng hoạt huyết rất mạnh (phá huyết) và có khả năng tiêu trừ các khối tích (chưng tích), khối u… nên được xếp vào nhóm “phá huyết tiêu chưng”.
Trên lâm sàng, nghệ đen (nga truật) thường dùng chữa chưng hà tích tụ (u bướu), bế kinh, ngực bụng đau tức do khí trệ huyết ứ; ngực bụng đầy trướng do thức ăn tích trệ; chữa sưng đau do đòn ngã tổn thương.
Kiêng kỵ: Phụ nữ đang có thai và kinh nguyệt quá nhiều kiêng dùng.
Như vậy, nghệ đen và nghệ vàng đều là thuốc hoạt huyết hóa ứ, dùng để chữa chứng bệnh huyết ứ, không phải thuốc bổ.
Kinh nghiệm thực tế của Đông y cho thấy, thuốc hoạt huyết hóa ứ sử dụng không đúng, sử dụng lâu ngày, sử dụng quá liều, đều có thể tổn thương nguyên khí. Với những trường hợp cơ thể vốn suy yếu, nguyên khí không đầy đủ, mà sử dụng đến loại thuốc “hoạt huyết hóa ứ”, thì càng cần thận trọng.
Ngoài ra, phụ nữ kinh nguyệt ra quá nhiều, phụ nữ có thai, tốt nhất là không nên sử dụng nghệ đen cũng như nghệ vàng.
Khi dùng nghệ đen hay nghệ vàng làm thuốc chữa bệnh cần sử dụng đúng người, đúng bệnh, đúng liều lượng.
Dùng đến khi cơ thể khôi phục bình thường thì ngừng. Tốt nhất cần có sự tư vấn cụ thể của thầy thuốc Đông y.