Từ trước đến nay, cây cỏ ngọt được biết là loại thực vật mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Cây cỏ ngọt có thể được điều chế thành nhiều sản phẩm như trà, thuốc, nguyên liệu làm bánh… Vậy uống trà cỏ ngọt có tốt không?
Cỏ ngọt hay còn được gọi là cỏ mật, cỏ đường, cỏ lạc. Đây là loại thực vật có hàm lượng glucose tự nhiên rất cao nên có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Để dễ tiêu thụ, cỏ ngọt có thể được chế biến thành thuốc, bột, trà… Vậy uống trà cỏ ngọt có tốt không? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để tìm câu trả lời cho vấn đề trên nhé!
1. Thành phần hóa học của cây cỏ ngọt
Trước khi tìm câu trả lời cho vấn đề uống trà cỏ ngọt có tốt không, chúng ta sẽ tìm hiểu về thành phần hóa học cũng như công định của cây cỏ ngọt nhé!
Theo đó, thành phần hóa học có trong cây cỏ ngọt bao gồm:
- Hoạt chất Steviosid: Đây là một loại đường glucosid. Hoạt chất này có vị ngọt cao gấp 3 lần đường saccharose, nhưng lại không mang năng lượng.
- Chất béo, carbonhydrate, protein… là các chất mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nhờ glucosid có trong cây mà cây cỏ ngọt có vị ngọt tự nhiên. Thông qua quá trình ngâm cây trong nước nóng, glucosid được chiết xuất từ loại cây này.
Mặc dù không chưa calo nhưng chiết xuất từ cây cỏ ngọt có độ ngọt cao gấp 200 lần so với lượng đường tương đương. Vậy cỏ ngọt có công dụng gì?
2. Công dụng của cỏ ngọt đối là gì?
Cỏ ngọt được biết đến là một loại cây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, làm đẹp, ngành công nghiệp mỹ phẩm… cụ thể như sau:
Hỗ trợ điều trị cho người mắc bệnh đái tháo đường
Cỏ ngọt là loại cây có vị ngọt tự nhiên nhờ vào thành phần Steviozit có trong cây. Steviozit là một hợp chất tạo vị ngọt cao hơn đường gấp 300 lần, nhưng lại có năng lượng thấp, hương vị rất dễ ăn và không bị lên men. Chính vì thế, cỏ ngọt được xem là một loại thảo dược thường xuyên được sử dụng để thay thế đường ăn hàng ngày cho người mắc phải bệnh tiểu đường.
Nguyên liệu sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm
Chính nhờ có độ ngọt cao nên cây cỏ ngọt được sử dụng rất nhiều trong công nghệ chế biến thực phẩm.
Cây cỏ ngọt được dùng làm nguyên liệu để điều chế thành những viên đường có tính mát và rất tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, đây cũng là loại thảo dược có mặt trong nhiều loại thực phẩm như rượu màu, bánh kẹo, món tráng miệng, nước hoa quả…
Thành phần quan trọng trong nhiều loại loại mỹ phẩm
Cây cỏ ngọt cũng chứa nhiều thành phần có tác dụng nuôi dưỡng, tái tạo làn da, kháng nấm và chống nhiễm khuẩn rất tốt.
Cỏ ngọt cũng là thành phần góp mặt trong nhiều loại mỹ phẩm làm đẹp và chăm sóc da như kem làm mềm da, sữa dưỡng thể, sữa dưỡng giúp làm mềm mượt tóc…
Tốt cho răng miệng
Cây cỏ ngọt chứa một số hoạt chất có khả năng kháng khuẩn rất tốt. Do đó, loại dược liệu này được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị chứng chảy máu chân răng trong trường hợp viêm nhiễm. Thậm chí, nước cỏ ngọt còn được dùng thay thế cho nước súc miệng thông thường để súc miệng và vệ sinh răng miệng.
Tác dụng làm đẹp
Cỏ ngọt còn chứa các thành phần có tác dụng giảm nhờn, chống viêm, ngăn ngừa mụn để giúp làn da luôn mịn màng và tươi sáng. Do đó, loại cây này được sử dụng trong việc điều chế mỹ phẩm làm đẹp và là nguyên liệu trong một số công thức làm đẹp da hiệu quả.
Bên cạnh những tác dụng được nêu trên, cây cỏ ngọt còn được xem là một vị thuốc trong các bài thuốc chữa trị nhiều căn bệnh khác nhau như: Giảm đau, rối loạn tiêu hóa, béo phì, cao huyết áp… Ngoài ra, cây cỏ ngọt còn có một số tác dụng khác như sau:
- Làm giảm nhu cầu về chất bột và đường trong cơ thể của người bệnh, giúp người bệnh cải thiện một số triệu chứng như mất ngủ, đau đầu.
- Cỏ ngọt kết hợp với một số thảo dược khác như nhân trần, cam thảo, lá trà atiso… để làm nước uống giải khát, thanh lọc cơ thể, giải nhiệt và lợi tiểu.
- Được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến một số sản phẩm trong ngành thực phẩm như gia vị ướp các loại hải sản sấy khô, các món tráng miệng đông lạnh, ướp các loại hải sản sấy khô, các loại bánh kẹo, chế biến dấm, rượu màu.
- Được sử dụng để thay thế cho các chế phẩm như mứt, bánh kẹo, nước ngọt.
- Giúp điều hòa nồng độ glucose trong máu, hạ mỡ máu và ổn định huyết áp.
- Góp phần giúp phòng ngừa một số bệnh lý về xơ vữa động mạch, tim mạch hoặc não.
- Nâng cao khả năng làm việc của hệ thống miễn dịch trong cơ thể.
- Cung cấp một lượng đường phù hợp và vừa đủ cho cơ thể. Từ đó, hạn chế cảm giác thèm đồ ngọt ở các bệnh nhân tiểu đường, thừa cân, béo phì…
Như vậy, cây cỏ ngọt chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe con người, ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Ngoài ra, cây cỏ ngọt còn được chế biến thành trà pha uống được nhiều người yêu thích. Vậy việc uống trà cỏ ngọt có tốt không?
Uống trà cỏ ngọt có tốt không?
Với những công dụng được nêu ở trên cho thấy cỏ ngọt là một loại thảo dược rất tốt cho cơ thể con người. Vậy liệu rằng việc uống trà cỏ ngọt có tốt không?
Trà cỏ ngọt được chế biến bằng cách phơi khô lá và thân cành của cây cỏ ngọt ở giai đoạn cây hình thành nụ. Đây là cách chế biến trà cỏ ngọt vẫn có thể giữ được hàm lượng glycosid cũng như các dưỡng chất vốn có trong cỏ ngọt. Do đó, trà cỏ ngọt sẽ có vị ngọt mát rất dễ uống và dễ dàng hòa cùng với nhiều loại trà hoặc nguyên liệu khác để kết hợp. Chẳng hạn, trà cỏ ngọt có vị ngọt nên bạn có thể hòa thêm một ít nước cốt chanh khi uống trà để tăng hương vị.
Trà cỏ ngọt rất lành tính và khi dùng không gây tác dụng phụ nên có thể sử dụng cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Nếu sử dụng một lượng trà cỏ ngọt mỗi ngày sẽ giúp bạn có một tinh thần thỏa mái, giảm nhu cầu glucose của cơ thể và giúp cho sức khỏe luôn ở trạng thái tốt nhất. Từ đó, giúp bạn có một ngày làm việc và sinh hoạt hiệu quả. Ngoài ra, đây cũng được xem là một cách làm đẹp cho làn da của bạn từ bên trong cơ thể.
Đặc biệt, đối với những người lớn tuổi, người đang mắc phải các chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, mất ngủ… thì trà cỏ ngọt là một thức uống rất phù hợp.
Giá thành của trà cỏ ngọt không quá đắt đỏ và rất dễ tìm thấy trên thị trường nên bạn có thể sử dụng làm thức uống hàng ngày cho gia đình mà không phải lo lắng về vấn đề kinh tế. Do đó, bạn có thể không mất quá nhiều chi phí và công sức để có một ly trà chăm sóc cơ thể mỗi ngày.